Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Khám phá vẻ đẹp bất tận của Shangri La Lệ Giang

Nhắc đến Shangri-la người ta thường nghĩ đến một thung lũng bất tử, biệt lập với thế giới bên ngoài trong tiểu thuyết Lost Horizon (Chân trời đã mất) của nhà văn James Hilton. Hoặc nếu những ai chưa đọc tiểu thuyết thì khi đến du lịch các thành phố lớn ở Trung Quốc, đều sẽ dễ dàng bắt gặp những khách sạn lớn mang tên Shangri-la. Vậy rốt cuộc Shangri-la là ở đâu? Tại sao địa danh đó lại trở nên nổi tiếng ? Hãy cùng  đến vùng cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc) để tìm kiếm vùng đất bí ẩn mang tên Shangri-la.

Cảnh tượng vô cùng hùng vĩ , hoang sơ khiến du khách phải ngẩn ngơ ngắm nhìn.

Địa danh Shangri-la vốn dĩ không có thực, chỉ là một vùng đất hư cấu trong tiểu thuyết.  Ở vùng Tây Bắc của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có một huyện tên là Trung Điện, người xưa gọi như vậy là để ám chỉ nơi giáp ranh giữa Trung Quốc và Miến Điện (Mianma). Nhưng đến năm 2001, để thu hút khách du lịch, Trung Điện được đổi tên thành huyện Shangri-la (tiếng Trung gọi là Hương Cách Lý Lạp).

Có rất nhiều cách để đến Shangri-la, bạn có thể bay đến các sân bay quốc tế Quảng Châu, Thành Đô hay Côn Minh để nối chặng đến sân bay Địch Khánh, là sân bay chính của huyện này. Hoặc các cách tiết kiệm hơn là đường bộ và đường tàu hỏa đến ga Côn Minh và mua vé đi tiếp đến ga Lệ Giang (Vân Nam) sau đó đón xe ô tô lên Shangri-la.

Đường từ trấn cổ Lệ Giang lên Shangri-la rất đẹp, vượt qua đèo cao hiểm trở với những khúc quanh ngoằn ngoèo, bên trái là vách núi dựng đứng, bên phải là vực sâu. Phía dưới là dòng sông Trường Giang sóng cuồn cuộn chảy. Cảnh tượng vô cùng hùng vĩ , hoang sơ khiến du khách phải ngẩn ngơ ngắm nhìn.

Đi một chặng đường dài cao hơn 3.300m so với mực nước biển, bạn sẽ được đến với cao nguyên Shangri-la. Nhìn từ trên cao sẽ thấy những thửa ruộng bậc thang được  bao phủ bạt ngàn trong một màu trắng của tuyết mịn. Bầu trời Vân Nam thì vẫn luôn trong xanh, cao vút, mây trắng lững lờ trôi mặc sự đổi thay của thế giới ngoài kia.

Shangri-la được coi là cửa ngõ đến với Tây Tạng, đây cũng là nơi sinh sống của phần đông người dân tộc Tạng Địch Khánh, vì thế cho nên đến với Shangri-la người ta sẽ tìm thấy sự bình yên và nhẹ nhàng phảng phất màu sắc Tây Tạng từ con người cho đến cảnh sắc. Đây cũng là nơi tọa lạc của nhiều đền chùa, tu viện Phật Giáo lớn.

Người Tạng ở Shangri-la cũng rất hiền lành và hiếu khách, vào trong làng du khách sẽ được người địa phương dẫn đi tham quan nhà ở và giới thiệu về văn hóa, con người nơi đây. Khi bước vào thăm những căn nhà gỗ của dân bản địa, du khách sẽ được nhắc nhở không được chụp ảnh, vì người già trong làng quan niệm rằng nếu bị chụp ảnh lại thì hồn của họ sẽ bị bắt vào trong tấm ảnh và đưa đi mất. Trong nhà, gian chính sẽ là bếp chứ không phải là phòng khách, có một lò lửa dùng để nấu nướng và sưởi ấm đặt ở giữa, mọi người ngồi quây quần xung quanh. Ngoài trang sức ra thì những vật dụng trong nhà như nồi, thìa (muỗng), ấm, chén…. của người Tạng cũng đều được làm bằng Bạc. Người ta lấy nước đóng băng ở dòng sông trên núi về cho vào một cái nồi bạc, để suốt mùa đông cũng vẫn lạnh như nước đá. Người dân ở đây quan niệm rằng uống nước ấy vào sẽ chữa được bệnh đau bụng và làm tâm hồn sảng khoái hơn.

Đêm đến, du khách nếu muốn sẽ được tham gia một bữa Vãn Hội (tiệc đêm) với người dân bản địa. Chỉ với chưa đến 100 nhân dân tệ (350 nghìn đồng), khách quan sẽ được thiết đãi một bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ đặc sản như : gà rừng, bánh trái, thịt Mao Ngưu (bò Yak), sữa bò Yak…v..v… Món đặc sản ở Shangri-la là thịt Mao Ngưu hay còn được gọi là bò Yak (lai từ bò thường với bò Tây Tạng), vì đặc trưng xứ lạnh quanh năm tuyết phủ nên những động vật ở đây thường có lớp lông rất dày và dài để giữ ấm.

Đến với Shangri-la chắc không thể bỏ qua được cơ hội chinh phục và chiêm ngưỡng vẻ đẹp những dãy núi tuyết trắng xóa. Du khách sau một đêm tận hưởng sự ấm áp của bữa tối thân thiết cùng người dân địa phương, sẽ bắt đầu ngày mới với việc trèo lên tham quan dãy Mai Lý tuyết sơn cảnh sắc đẹp tựa thiên đường. Dãy núi gồm khoảng 20 đỉnh núi quanh năm tuyết phủ trắng xóa, trong đó có 6 đỉnh cao tới  hơn 6.000m. Quả là một sự trải nghiệm thú vị ở nơi mà trước đây bạn chỉ được nhìn thấy trong phim ảnh.

Nếu đã một lần đến với vùng đất Shangri-la, tôi tin chắc rằng bạn sẽ vẫn muốn quay trở lại nơi ấy.  Shangri-la không bí ẩn như trong tiểu thuyết, người dân ở đây cũng không hề bất tử. Những bô lão vẫn già đi với niềm tin rằng chụp ảnh sẽ bị người ta bắt hồn đi mất, những người thanh niên vẫn cố gắng đến được đến Côn Minh học đại học, học tiếng Phổ Thông để về làm hướng dẫn viên du lịch phát triển cho quê hương, những em bé rong chơi bên vệ đường má vẫn còn hây hây đỏ vì rét nở nụ cười làm tan đi tuyết xứ lạnh. Shangri-la hùng vĩ, hoang sơ mà cũng yên bình, hiền hòa như thế. Văn hóa Tây Tạng bao trùm lên những mái nhà, con đường mang đến sự cổ kính và trầm mặc, nhưng Shangri-la vẫn có một sức cuốn hút kì lạ từ chính những điều bình dị đó. Và một điều chắc chắn, vẻ đẹp của Shangri-la là “bất tử”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét